Có hay không giác quan thứ 6?
Lê Lộc
Ai cũng có lần kinh nghiệm như sau: Dù hoạt động ở ngành nào, có khi đứng trước một vấn đề nan giải, hay một bí mật, đột nhiên ta thấy ngay giải pháp hay thấu hiểu nguyên nhân sâu xa. Đó là tiếng kêu "Eureka" của Archimède, là giây phút "bừng sáng trí tuệ" của Descartes. Các nhà ngoại cảm gọi đó là giác quan thứ 6. Dưới ánh sáng khoa học, trực giác là gì?
Một kiểu nhận biết phi lôgic...
Một vài nhà tâm lý học gọi đó là "cái thấy bên trong" (insight) nhưng từ trực giác "intuition" có nguồn gốc lâu đời, nó được kết hợp bởi từ "tueor" nghĩa là nhìn sững một vật gì đó và "in" hàm ý sự quan sát đi thẳng vào bên trong vật đó. Khác với cái biết thông thường do các giác quan đánh động vào ý thức, trực giác cho phép ta khám phá lập tức bản chất sâu thẳm của một con người hay một hiện tượng. Đó là kiểu nhận biết không cần thông qua các dấu hiệu, kinh nghiệm hay quá trình diễn dịch theo kiểu loại suy. Như vậy, ở con người, sinh thể biết lý luận, một khả nǎng nhận biết thế giới không cần logic. Nhưng từ đâu mà con người lại có tài "đoán trung phóc" như vậy?
Theo các giả thiết gần đây về trí tuệ con người, tư tưởng phát sinh từ 2 hệ thống khác nhau. Hệ thống cảm nhận (cognitives) hoạt động do sự phân tích từ một quan sát đến một ý thức. Nhưng còn có kiến thức loại suy kỳ lạ (analogiques) do cấu trúc sâu xa của tế bào não tạo ra. Não bộ là cái máy phức tạp, nơi hàng tỉ tế bào thần kinh giao nhau nhờ vô số các hệ thống kết nối chằng chịt. Lại thêm một hiện tượng được các nhà khoa học ghi nhận: khi ta ý thức về một đối tượng, có rất nhiều thông tin phụ tràn ngập tiềm thức. Pascal Engel, giáo sư Viện đại học Caen (Pháp) gọi đó là một cảm nhận ngấm ngầm: "Trong bộ môn tâm lý thần kinh người ta đặt giả thiết có những trạng thái biết ngấm ngầm hay tiềm ẩn do hệ thống xử lý thông tin không liên quan đến ý thức. Cái mà chúng ta gọi là trực giác có thể là việc vận dụng kiến thức tiềm ẩn đó, một loại kiến thức mà con người không thể hệ thống hoá được. Như vậy, máy điện toán quả là điều trái ngược tuyệt vời với trực giác.
Từ ông thầy bói đến nhà bác học
"Số cô là số đào hoa, số cô đào mỏ hai ta cùng đào..." Từ lâu các "bực" thầy bói được người đời ca tụng do có tài "thấy trước" ngàn dặm. Có người đoán được phong trào quốc xã tại Đức hoặc cái chết của Tổng thống Mỹ Kenedy trước đó chỉ có vài tháng. Họ thật sự có giác quan thứ sáu? Thật ra các "thầy ba nước lạnh" làm gì có tài hô phong hoán vũ, họ chỉ có sức mạnh phân tích kết hợp với "mánh lập lờ". Câu phán của họ bao giờ cũng khó hiểu kiểu như Nostradamus nên sau khi sự kiện đã xảy ra, người ta thấy diễn dịch... kiểu nào cũng đúng! Nhà nghiên cứu Karl Popper gọi những tiên đoán của nhà chiêm tinh là có thể "thấy trước được" và không mang một chút giá trị khoa học nào vì các giả thiết được nêu ra trong khoa học bao giờ cũng được kiểm chứng bằng các thí nghiệm, nếu thí nghiệm cho thấy sai, toàn bộ giả thiết sẽ bị huỷ bỏ.
Sở dĩ trực giác quyến rũ con người vì tính huyền hoặc của nó. Nhưng trực giác đôi khi dẫn đến nhầm lẫn. Thí dụ bạn được hỏi có bao nhiêu người trong số 22 cầu thủ và trọng tài đang điều khiển trận đấu có ngày sinh trùng nhau, bạn sẽ nói ngay khoảng 10% và bạn đã sai. Xác suất sẽ lên đến gần 50% vì phải tính từng người một kết hợp với 22 người còn lại và ta có đến... 253 trường hợp có thể có ngày sinh trùng nhau. Và dĩ nhiên tất cả định đề toán học không có chỗ cho trực giác chen vào. Pascal Engel còn cho là trực giác còn có tính phủ nhận trong chính từ ngữ này vì theo định nghĩa, trực giác có nghĩa là "bạn biết lập tức một điều gì đó" hoặc "bạn không biết gì hết". Trong thế giới bí ẩn của trực giác còn rất nhiều chuyện con người hoàn toàn mù tịt. Thí dụ bạn có "cảm giác gai gai ở gáy" vì có người nào đó đang nhìn bạn từ phía sau, con vật cũng có "linh giác" này, có khi còn "bén" hơn con người, (một số loài như ngựa, chó, chim và kiến "đánh hơi" trước thảm hoạ thiên nhiên sắp xảy ra và thái độ của chúng thường là sợ cuống quýt lên) nhưng chúng ta hoàn toàn không hiểu và cắt nghĩa được sự bí hiểm này. Như vậy trực giác bao phủ vô số hiện tượng ngoài tầm hiểu biết của con người.
Trong quyển sách "Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học", nhà sử học Mỹ Thomas Kuhn xếp loại khoa học vào 2 dạng. Dạng "khoa học bình thường" là sự tiếp tục logic của các giả thiết đã được xác minh và dạng "khoa học cách mạng" vốn là các đỉnh cao đột ngột có tính sáng tạo, nơi mà vai trò trực giác hết sức lớn lao. Thí dụ điển hình nhất là "trực giác" về vũ trụ của Copernic một thời gian sau đó thật lâu mới được chứng minh là đúng.
Một số trực giác làm người ta giật mình, đáng kể nhất là Jules Verne. Nhà vǎn này luôn đi trước thời đại ... khá chính xác. Ông đã cho con người lên thǎm chị Hằng bằng một "viên đạn lớn" được bắn bằng một cây đại bác khủng khiếp để vượt khỏi sức hút của quả đất và ông đã đề nghị điểm khởi hành ở bang Florida của Mỹ. Một thế kỷ sau, các tàu con thoi lục đục cất cánh từ... bang Florida. Định đề toán học trứ danh của nhà toán học Pháp Fermat, phải 3 thế kỷ sau mới có người giải nổi, nhưng rất có thể chính Fermat cũng không biết cách giải bài toán hóc búa của mình!
Có vẻ phụ nữ có trực giác mạnh hơn nam giới!
Một số người có trực giác khá bén nhọn nhưng có thể lý giải được như các đại kiện tường cờ vua. Etienne Bacrot mới 14 tuổi đã có những nước đi làm Kasparov đổ mồ hôi hột, nhưng có thể trực giác của cậu bé người Pháp này có "trí nhớ thị giác" mãnh liệt về cấu trúc những nước cờ hiểm của đối phương. Còn trường hợp các nhà "khoa học ngu đần" được Olivier Sacks lý giải là một "biến tướng của khả nǎng nhận biết kỳ lạ". Họ có thể đoán trúng phóc số que diêm trong hộp diêm chưa mở hay làm toán nhân với hàng luỹ thừa "thấy đã chóng mặt" chỉ có vài giây. Họ sống thường xuyên trong thế giới chỉ toàn là các con số nhưng khi cái bàn viết bị hư, họ không làm sao sửa được dù chỉ phải siết một con ốc. Còn các hoạ sĩ và nghệ sĩ thiên tài do mãi đắm chìm trong thế giới nghệ thuật nên các "trực giác" thường đến "thǎm" họ. Những tác phẩm bất hủ của Picasso hay Rodin đều là kết quả đột phá của một quá trình chiêm nghiệm dài lâu, có khi nổ ra lúc họ đang ngủ!
Một số nhà tâm lý nhận xét phụ nữ có trực giác "nhạy" hơn đàn ông ở một số lãnh vưc. Có vẻ trí thông minh của phái yếu pha trực giác rõ nét nhưng khoa học vẫn chưa xác nhận điểm này. Điều dễ thấy là đàn bà hiểu rõ đàn ông hơn là các ông hiểu được đàn bà. Người ta bảo tại đàn ông phải lo "chuyện lớn" nên không khéo về mặt tâm lý như phe tóc dài. Nhưng nếu như thế tại sao ngay cả trong lĩnh vực tình cảm, phụ nữ cũng "sắc" hơn. Đã có khối ông bị tiếng sét ái tình đánh cho điên đảo, sau đó mới biết "đối tượng" không hề rung động vì họ một chút nào. Trong trường hợp này có thể nói trực giác ... đã chơi cánh đàn ông một vố đau điếng